Cập nhật lúc 08:20 07/04/2016
Sáng sớm Chúa Nhật Phục Sinh (27.3.2016), lúc mà các bà đạo đức ra mồ viếng xác Chúa, thì chúng tôi cũng rời Bản Phủ lên đường đi Nậm Pồ xa 200 cây số, để cử hành lễ Phục Sinh cho bà con H’Mông. Cùng đi có 5 anh em thuộc nhóm thiện nguyện Công giáo Xa Quê từ Hà Nội đến. Được biết hàng năm, nhóm tổ chức nhiều chuyến thăm và tặng quà người nghèo, lần này anh em chọn những người H’Mông ở Điện Biên để chia sẻ. Xin cám ơn tấm lòng quý báu của anh em.
Dọc đường, cơ man là hoa ban đang nở rộ. Hoa này là đặc trưng của vùng Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng. Lễ hội hoa ban mới được tổ chức tưng bừng tại Điện Biên giữa tháng 3 vừa rồi. Riêng tôi, hoa ban có một tên khác : hoa Phục Sinh, vì nở vào đúng dịp lễ, như muốn nói rằng cả hoa cũng mừng vui Chúa sống lại.
Trước hết, chúng tôi đến bản Na Cô Sa 1, nơi chưa một lần được đến. Bà con đã tập trung từ sáng. Có lẽ tất cả 430 giáo dân đều có mặt, kể cả các em sơ sinh 1, 2 tháng. Người H’Mông có thói quen đi đâu cũng mang theo con cái, có chị đeo một đứa trước bụng, địu một đứa sau lưng, dắt tay đứa thứ ba ! Nhìn họ, chúng tôi không khỏi thương xót vì vẻ nghèo khó và đơn sơ. Chẳng ai có được bộ quần áo sạch đẹp, chẳng ai biết đến phấn son trang sức để dự lễ, mà vẫn là chiếc váy xòe hàng ngày. Khuôn mặt họ hằn rõ sự nhọc nhằn của đói ăn thiếu mặc, đôi tay đen đủi chai sần vì lao động. Nhưng không khó để nhận thấy nét hiền hòa của những tâm hồn không vướng gian tham xảo trá, và nhất là thấy đức tin bừng lên từ những tấm lòng đơn sơ như em bé. Họ thật là những người con của Bát Phúc.
Chúng tôi giải tội bằng hết trước khi dâng lễ lúc 2 giờ rưỡi chiều, sau đó còn rửa tội, chứng hôn, xức dầu bệnh nhân. Thánh lễ sốt sắng, trang nghiêm với những bài hát, lời kinh bằng tiếng H’Mông. Sau đó là khoảnh khắc chia sẻ với các em bé chút quà bánh kẹo, bong bóng, tràng hạt. Như vẫn thấy nơi người dân tộc, các em rất dễ thương, không xô lấn tranh giành, nhưng chờ được nhận quà. Giả như không cho, các em không đòi ; có rồi, các em không nhận nữa ; cho thêm, các em không lấy. Thật khác hẳn với việc phát quà cho trẻ em người kinh mà chúng tôi đã chứng kiến, thật đúng là “kinh”, vì các em giành giật, chen lấn vô trật tự ; có rồi, chúng vẫn nhận thêm, có đứa còn xin phần cho em ở nhà !
Sau đó, chúng tôi đi Huổi Thủng 1 để dâng lễ lúc 5 giờ chiều. Ở đây cũng thế, giáo dân đã chờ sẵn từ lúc nào. Bà con chen chúc xưng tội và dự lễ khiến chúng tôi quên hết mệt nhọc. Đây là nơi có đông người công giáo nhất, 470 người, và đã được đức tổng Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh đến thăm vào giữa tháng 6 năm ngoái.
Sau bữa cơm huynh đệ với dân làng, chúng tôi rời Huổi Thủng để về Mường Nhé, cách 70 cây số. Theo chương trình, ngày mai chúng tôi sẽ đi Nậm Vì, xa Mường Nhé 30 cây số, nên về trước để bớt được quãng đường này, vả lại cũng vì không muốn làm phiền bà con phải nhường chỗ ngủ cho mình. Còn nhớ Giáng Sinh năm ngoái, ông chủ nhà đã nhất định bắt tôi phải nằm giường của ông, còn ông thì trải bạt nằm đất, trong cái rét mùa đông, khiến tôi rất ái ngại.
Cảm tạ Chúa vì hôm nay chúng tôi đã đem niềm vui phục sinh đến với bà con ở nơi hẻo lánh này. Chúa biết họ tha thiết với Chúa như thế nào. Vì Chúa, họ đã nồng hậu đón tiếp chúng tôi như đón tiếp Chúa. Ước gì sớm có linh mục được sai đến giúp đỡ phần hồn cho họ.
Thứ hai Phục Sinh (28.3.2016) : Hôm nay chúng tôi đi Nậm Vì, một bản H’Mông ở biên giới cực tây bắc của tỉnh Điện Biên. Ở ngã ba Chung Chải, một đường dẫn đến A-pa-chải, nơi ba nước Việt-Lào-Hoa gặp nhau, đường kia vào Nậm Vì. Đường vào bản thật khó đi, trời mưa càng khó hơn nữa. Bản này có 103 giáo dân, cuộc sống khó khăn, vì họ vừa di dời đến địa điểm mới, cách chỗ cũ 4 cây số. Đến nơi, chúng tôi chột dạ khi thấy căn nhà dùng làm nơi cầu nguyện nằm vắt vẻo ở đỉnh đồi cao tít tắp. Leo chưa đến nơi thì đã hụt hơi. Bà con như còn sống trong thời bán khai vì không nước, không điện, không sóng, nhà cửa tuềnh toàng, riêng không khí, gió, mây và bầu trời thì “vô tư”. Đứng trên đỉnh đồi có thể phóng tầm nhìn xa đến ba nước, nhắm mắt trái thì thấy nước Tàu, nhắm mắt phải thì thấy nước Lào, và mở cả hai mắt thì thấy nước Việt Nam. Vùng đất này vốn của dân tộc Hà Nhì. Người H’Mông mới di dân qua đây sống.
Chúng tôi lại cảm động khi dâng lễ với bà con. Họ đơn sơ chân thành quá, bé mọn quá, chắc chắn Chúa phải thương họ. Dù thiếu thốn, nhưng họ tràn đầy niềm vui. Tôi thấy các em bưng bát cơm chan nước lã mà ăn ngon lành. Trong nhà chỉ có một cái giường, tối đến tất cả mọi người ngủ chung, đắp chăn chung, tha hồ ấm !
Trên đường về, chúng tôi dừng chân thăm và khích lệ đức tin 6 gia đình công giáo ở ngã ba Chung Chải. 6 giờ chiều, chúng tôi cử hành thánh lễ cho giáo dân ở Mường Nhé. Nơi đây mới qui tụ được khoảng 100 giáo dân. Còn nhiều người nữa, nhưng vì sợ sệt đủ thứ nên vẫn chưa xuất đầu lộ diện !
Thứ ba Phục Sinh (29.3.2016) : Tiếp tục chuyến mục vụ, hôm nay chúng tôi đi Nậm Chẩn, một bản H’Mông có 280 giáo dân, nằm cách Huổi Thủng chừng 15 cây số. Lâu nay, giáo dân vẫn mượn nhà của một gia đình bên sườn đồi làm nơi đọc kinh, nhưng hôm nay có thánh lễ lần đầu tiên, họ mượn một căn nhà khác ở dưới chân đồi, có sân rộng để mọi người dự lễ thoải mái hơn. Không ngờ lễ xong, gia chủ phấn khởi quá, bằng lòng cho mượn nhà mình làm nơi thờ phượng luôn. Chúng tôi sẽ giúp tráng xi-măng trong nhà ngoài sân cho sạch sẽ, bằng phẳng. Sau thánh lễ, chúng tôi rửa tội cho 14 bé sơ sinh. Từ trước tới nay, vì không có linh mục, nên trong nhóm có người chuyên trách việc rửa tội cho các em, thật đáng thương.
Chiều tối, cha Quyền ở lại Nậm Chẩn để sáng mai dâng một lễ nữa cho dân, còn tôi ra Huổi Thủng. Giáo dân khao khát có thánh lễ, nên tôi dâng lễ tối cho họ, khá đông người dự, ca đoàn sung sướng được hát lễ, và nấn ná không chịu về. Một lần nữa, các em lại làm não lòng tôi khi rụt rè nói : “Chúng con xin cho dì ở lại dạy giáo lý, dạy hát chúng con”. Nếu có thể làm được gì cho các em, thì tôi làm ngay. Tôi cảm thấy có lỗi khi chưa quan tâm đủ cho những anh chị em H’Mông. Phải bớt linh mục ở nơi khác để gửi lên đây phục vụ họ, phải gấp rút cho nữ tu đến chăm sóc các trẻ bụng ỏng đít beo, thiếu ăn mặc, thiếu chữ nghĩa, thiếu cả Chúa ở trên vùng cao này ! Dân sinh, dân trí của họ còn thấp quá. Có rất nhiều thiếu nữ không biết chữ, không biết vệ sinh thường thức, như thế thì khi làm vợ làm mẹ, khó có thể nuôi dạy con cái tốt được ! Lớn lên các em chỉ biết lao động, rồi 14, 15 tuổi đã lấy chồng, sinh con… chỉ vậy thôi ! Cái vòng luẩn quẩn cứ thế mà xoay tít. Khi cả thế giới đã bước vào thời đại văn minh kỹ thuật số với những cái chấm quẹt màn hình, mà ở đây vẫn cứ như còn thời đá đẽo, vẫn chỉ biết thứ văn minh trèo-hái-bẻ-lượm… Ôi người anh em H’Mông của tôi ! Nếu mà tôi sinh ra làm người H’Mông thì tôi sẽ như thế nào bây giờ ? Điều trăn trở này đã theo tôi vào giấc ngủ tối nay.
Thứ tư Phục Sinh (30.3.2016) : Sáng nay chúng tôi rời Huổi Thủng sớm để vào huyện Nậm Pồ, cách 30 cây số, vì có cuộc hẹn gặp chính quyền huyện lúc 8 giờ, mà đường thì xấu. Một số bà con thức dậy sớm hơn để đến chào tạm biệt chúng tôi. Thật đáng mến tấm lòng của họ. Tôi hẹn lễ Hiện Xuống, tức 50 ngày nữa, sẽ đến cử hành Thêm Sức cho các em, không biết có được không?
Đúng là đường khó đi thật, vì quanh co khúc khuỷu, lên đồi xuống suối, lại chẳng bằng phẳng êm ái như những nơi khác. Hơn 8 giờ chúng tôi mới đến thị trấn Nậm Pồ. Ông Thái, chủ tịch huyện và lãnh đạo các ban ngành đã chờ đợi chúng tôi. Ông cho biết tình hình trong huyện, những khó khăn phải đối phó, qua đó không chỉ dân khổ, mà các vị chính quyền cũng khổ không kém để lo cho dân. Chúng tôi bày tỏ niềm vui được đến thăm và làm mục vụ tại bản Nà Bủng, và cảm thông những vất vả, khó nhọc của chính quyền huyện trong việc nâng cao đời sống nhân dân. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu khí thân thiện, tình người.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi 30 cây số nữa để vào bản Nà Bủng. Đây là bản sát biên giới Lào, phân cách hai nước bằng một dãy núi. Đời sống bà con còn lắm khó khăn. Không để mất thời giờ quí báu, sau phút chào nhau, chúng tôi bắt tay vào việc. Ở đây số giáo dân khiêm tốn, chỉ 110 người. Chưa bao giờ có linh mục đến đây. Tôi hỏi những ai chưa bao giờ được dự thánh lễ, thì có đến gần một nửa giơ tay lên. Họ tự truyền đạo, rửa tội cho nhau, giúp nhau giữ đức tin. Nơi họ, tôi cảm nghiệm ơn Chúa và đức tin thật là huyền diệu. Chúng tôi dâng lễ sốt sắng với lời cầu xin Chúa thương xót những anh chị em này, cho họ bền vững lòng tin, dù cuộc sống đầy khó khăn. Căn nhà dùng làm nơi cầu nguyện nhỏ bé không đủ chỗ, vì có cả những người Tin Lành dự lễ. Nhà người H’Mông thường thấp lè tè, nên tôi bảo mọi người cứ ngồi mà dự lễ, kẻo đứng hết cả lên thì ánh sáng không lọt nổi vào nhà. Người H’Mông hướng về tôn giáo dễ dàng hơn các dân tộc khác. Ở huyện Nậm Pồ có 40.000 người, thì hơn 20.000 theo Tin Lành. Cùng một hoàn cảnh, cùng những khó khăn, thế mà người Tin Lành nhiệt thành với việc loan báo Tin Mừng hơn người Công giáo, chẳng lạ gì mà họ đông hơn.
Theo dự tính, xế chiều chúng tôi sẽ chia tay với giáo dân Nà Bủng, nhưng thương họ côi cút quá, vì chưa bao giờ có ai đến được với họ, nên cha Quyền và hai dì tình nguyện ở lại đến sáng mai để dâng một lễ nữa cho họ, còn nhóm tòa giám mục thì trở về Bản Phủ. Quyết định này thật đúng đắn vì an ủi bà con rất nhiều, còn chúng tôi thì cảm thấy yên lòng.
Trên đường trở về Bản Phủ, tôi buồn vui lẫn lộn, vui vì được đem Tin Mừng Phục Sinh đến nâng đỡ niềm tin của anh chị em ở nơi hẻo lánh nhất giáo phận này, nhưng buồn vì chưa làm được gì cho những người lẽ ra phải được quan tâm nhất. Tuy nhiên, tôi tự nhủ : Chúa quyền năng vô cùng và cũng thương xót vô cùng, với Ngài, “không gì là không thể thực hiện được” (Lc 1,37). Đức Mẹ đã chẳng ca tụng Chúa thế này sao : “Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới… Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn. Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,49-50) ? Vậy khi mình không thể làm gì được thì Chúa sẽ làm.
Tổng kết chuyến mục vụ 9 ngày tại tỉnh Điện Biên lần này, chúng tôi đã đi 1.700 cây số đường bộ, thăm và dâng lễ Tuần Thánh-Phục Sinh cho 9 cộng đoàn giáo dân Kinh và H’Mông, rửa tội 41 người, thêm sức, chứng hôn và xức dầu bệnh nhân cho nhiều người khác. Chưa kể trên đường đi và về, chúng tôi còn ghé thăm một số cộng đoàn trong tỉnh Hòa Bình và Sơn La.
Xin mượn ý tưởng của ĐHY Etchegaray để kết thúc bài này : “Chúa trồng anh em ở đâu, anh em hãy nở hoa ở đó”. Như những cây ban nở hoa tô điểm cho Điện Biên xinh tươi, người công giáo chúng ta cũng được Chúa gieo trồng rải rác, có người trên đồi núi xa xăm, có người trong bản làng hẻo lánh, có người giữa đô thị sầm uất… Nhưng điều quan trọng là mỗi người hãy nở hoa xinh tươi cho đời, cho người và cho Chúa. Alleluia !